Tại vì sao tháng 7 âm lịch gọi là tháng cô hồn?
Như vậy, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao cả trong văn hóa người Việt.
Người Việt xưa tin rằng, tùy theo nghiệp lực khi người còn sống đã làm mà sau khi chết đi thì linh hồn sẽ được đầu thai sang kiếp khác hoặc bị đày xuống địa ngục, thậm chí thành quỷ đói lang thang. Cũng theo quan niệm từ xưa, con người dù đã gây ra những tội lỗi gì thì trong quá trình phải gánh chịu sự trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để giảm bớt khổ cực và đau đớn…
Thời phong kiến ngày đức vua đăng cơ lên làm hoàng đế thì thường ban lệnh ân xá cho những kẻ phạm tội được giảm bớt thời gian chịu phạt hoặc nếu tội nhẹ có thể được trở về đoàn viên với gia đình. Ngày nay thời điểm đặc xá thường là những ngày có sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước do chủ tịch nước ký quyết định.
Đối với cõi âm, ngày xá tội được gọi đầy đủ là xá tội vong nhân, bởi dân gian cho rằng những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa về được với cõi âm sẽ được bắc cầu cho siêu độ. Có quan điểm cho rằng đó là ngày Diêm Vương mở cửa địa ngục để cho các linh hồn được siêu thoát, về cõi trời để được tái sinh.
NGUỒN GỐC CỦA VIỆC CÚNG CÔ HỒN
Theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh” thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Vào một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được vãng sanh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Đốt vàng mã cho người chết
Đốt vàng mã cho người chết
Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Theo truyền thuyết dân gian, Diêm Vương cai quản địa ngục sẽ mở cửa Quỷ môn quan tháng 7 hàng năm. Do đó, vào tháng 7 âm lịch, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ cho chúng để chúng không quấy nhiễu cuộc sống bình thường. Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch, còn ở Việt Nam, thời gian này kéo dài nguyên một tháng.
Ý NGHĨA CỦA VIỆC CÚNG CÔ HỒN
Như vậy, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao cả trong văn hóa người Việt.
Cúng cô hồn
Cúng cô hồn trên đường Láng, Hà Nội
Cũng trong tháng 7, người ta thường truyền tai nhau về 18 điều cấm kỵ như: không để chuông gió trước đầu giường, đi đêm không được gọi tên thật, không được chụp ảnh buổi tối… Cũng không ít người cho rằng tháng này đen đủi (nhất là những người làm kinh doanh) thì không nên dựng nhà, sửa cửa, đám cưới, khởi công, khai trương,… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những quan niệm này chưa được bất kỳ khoa học nào chứng minh là đúng. GS. TS Phạm Đức Dương – chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học chia sẻ rằng: “Mọi người có thể có được đức tin song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt”.
Các bạn nên phân biệt rõ lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan vì dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm tháng 7 âm lịch nhưng lễ Vu Lan báo hiếu là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Leave a Reply