Tín ngưỡng thờ cúng thần Hổ của người dân Việt
Cúng Thần Hổ cũng cúng vào những ngày sóc vọng hoặc trong nhà có công việc gì cáo với gia tiên. Việc thờ cúng thần Hổ ngoài trầu rượu phải cúng mặn, phải dùng thịt sống hay trứng sống làm đồ lễ.
Trong quan niệm của người phương Đông, hổ là một con vật linh thiêng, thuộc sứ giả của nhà trời xuống hạ giới ban phúc cho người lành, giáng họa cho kẻ ác, hướng con người đi đến chân, thiện, mỹ. Sự tích thờ thần hổ rất đa dạng mỗi vùng, mỗi dân tộc có sự tích thần hổ khác nhau, nhưng chung quy đều thể hiện con hổ có chức năng trừ tà ma, biểu thị cho quyền uy và sức mạnh.
SỰ TÍCH THỜ THẦN HỔ
Sự tích thờ thần hổ còn lưu truyền nhiều ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh như sau:
Vào thời An Dương Vương, người Việt còn đóng khố, cởi trần, định cư ở vùng đồng bằng và trung du, làm nghề nông và săn bắn. Ở làng nọ có một ông lão nhà nghèo, quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn, không làm được nhà ở, ông phải lên rừng đốn nứa đem về làm bè và dựng thành lều ở trên sông Lam, ngày ngày tảo tần đơm đó và đưa đò để kiếm sống. Vùng này có nhiều hổ dữ, chúng thường bắt người ăn thịt. Một hôm có đoàn người đi lên rừng làm rẫy, gặp 5 con hổ đang ngồi rình trên hòn đá ven đường, chờ người đi qua để bắt. Ông lão đang chống bè trên sông trông thấy, liền kêu lớn cho đoàn người quay lại. Nghe tiếng động, hổ liền đuổi theo, bắt được một người và xé xác ăn thịt. Người xấu số đó lại chính lại cha ông lão chèo đò.
Lần khác, ông lão chèo bè đang đi trên sông thì có một con hổ xám chờ ông lão đến gần, nhảy xuống bè bắt ông. Nào ngờ, bè nứa bị choãi ra và một chân sau của hổ bị kẹp chặt lại. Hổ càng giãy thì chân sau càng lún sâu xuống và bị nứa cứa rách da thịt máu chảy đầm đìa. Hổ đau đớn gầm lên náo động cả khu rừng, muông thú đều hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, ông lão hết sức bình thản, một tay cầm con dao, một tay cầm bó đuốc đến bên con hổ và nói: “Nhà ngươi dòng dõi ờ trên thượng giới, xuống hạ giới sinh sống, sao lại bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa”. Nói đoạn, ông cầm dao chặt cây nẹp bè cho bung nứa ra và lấy tro thấm dầu bôi cho cầm máu. Hổ cảm kích, hai chân sau quỳ xuống, hai chân trước đồng chầu cảm tạ hồi lâu, rồi mới chạy vào rừng.
Nhưng rồi, hồ xám vẫn thường lui tới ven đường, nơi có người qua lại để bắt ăn thịt. Một hôm, hổ xám vồ trúng ông lão đang đi đò. Khi kéo xác lên bờ, mới nhận ra là ân nhân của mình. Hổ hối hận, kêu gào ầm ĩ cả khu rừng. Sáng hôm Sau, dân làng đi làm, thấy xác ông lão bên đường và nhìn dấu vết biết là ông bị hổ vồ. Dân làng thương xót, chôn cất từ tế và tôn ông làm thần thổ địa của làng. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu khóc thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ. Từ đó, các loài muông thú không đến phá hoại và dân làng làm ăn trúng mùa liên tiếp. Đặc biệt, hổ xám được dân làng thờ cúng và tôn là ông hổ Thần hổ, ông Ba mươi ông Năm dinh (những con hổ đá đặt ở đền chùa, miếu đều nằm trong thế quỳ, miệng há rộng và nhắc lại sự tích trên).
Trong những di tích ở Việt Nam người ta tìm thấy con hổ đá sớm nhất từ thời Trần với con hổ được thể hiện trên chiếc nhang án tại chùa Xuân Lũng (Phú Thọ). Đến thời hậu Lê con hổ xuất hiện ở lăng mộ Lê Lợi (Lam Kinh) – đó là con hổ ngồi dưới dạng rụt cổ, vai u như đang làm nhiệm vụ canh gác và giữ của cho người chết.
Đến khi Nho giáo phát triển, hổ được chạm khắc trên các công trình kiến trúc và thể hiện cho những người thi cử đỗ đạt với cụm từ thường gọi “Bảng hổ danh đề”. Trên bức bình phong tại cổng các đền chùa, người ta thường đắp con hổ đang bước xuống những bậc đá gập ghềnh. Với tư thế đó, hổ là hiện thân của âm cung, biểu hiện cho sức mạnh thế giới Diêm Vương và kiểm soát linh hồn khách hành hương. Người ta còn thờ Ngũ hổ để tượng trưng cho 5 phương: Hoàng hổ ở giữa gọi là Trung phương, Xích hổ là phương Nam, Lục hổ là phương Đông, Bạch hổ là phương Tây và Hắc hổ là phương Bắc. Tất cả đều mang ý nghĩa cầu mưa và cầu cho mọi sự sinh sôi, phát triển. Cũng có những nơi vào tối 30 Tết, người ta thường dùng vôi trắng vẽ hình hổ phục ở 4 góc sân nhà nhằm trừ đuổi tà ma, quỷ quái, cầu cho mọi người được khỏe mạnh, bình an, chăn nuôi, trồng trọt đều hanh thông, phát đạt.
Trong nhiều gia đình, người ta thường thờ thần Bạch Hổ, hoặc thần Ngũ Hổ, tức là năm thần Hổ năm sắc. Bàn thờ thường lập một nơi riêng, nhiều khi là ở một chiếc bàn xây ngoài sân, hay chiếc miếu xây ở ngoài vườn đối với những gia đình ở gần chân núi.
Cúng Thần Hổ cũng cúng vào những ngày sóc vọng hoặc trong nhà có công việc gì cáo với gia tiên. Việc thờ cúng thần Hổ ngoài trầu rượu phải cúng mặn, phải dùng thịt sống hay trứng sống làm đồ lễ.
Leave a Reply