Tiền phúng điếu là gì?
Tóm lại, việc phúng điếu (dù có lãng phí) vẫn là một phong tục tập quán quen thuộc, giàu tính nhân văn, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt.
Phúng điếu là từ Hán Việt, có nghĩa là vừa mang lễ vật đến cúng người chết, vừa thăm hỏi, an ủi và chia sẻ cùng tang gia về cả vật chất lẫn tinh thần.
Phúng là lễ vật mang cúng người chết, có thể là đồ ăn, hoa quả, vòng hoa, lẵng hoa, thẻ nhang, nhang đèn, trướng liễn, điếu văn,…Cũng có thể là tiền bạc để giúp cho tang gia chi trả những chi phí tổ chức lễ tang.
Điếu là viếng thăm người chết. Có thể là tới thăm người quá cố lần cuối, thắp nén hương, cúi lạy trước quan tài, dừng lại trước linh cữu của người ra đi.
Phúng và điếu thường đi đôi với nhau. Đã mang phẩm vật đến cúng thì tiện thể viếng thăm người chết luôn. Ít khi chỉ có phúng mà không điếu. Nhưng cũng có thể đến phúng nhưng không điếu, thường là do ý muốn của tang gia.
NGUỒN GỐC CỦA VIỆC PHÚNG ĐIẾU
Từ nền văn hóa lúa nước, người Việt thuở xa xưa ở làng quê thôn xóm mang nặng tình tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Khi nhà nào có việc lớn như ma chay, cưới gả thì xem như việc của cả làng, mỗi người phụ giúp một tay để cùng tang quyến tổ chức tang ma. Người nào không thể giúp sức thì giúp đỡ bằng lễ vật như cau trầu, hoa quả, bánh trái, nhang đèn, phướn liễn và tiền bạc.
Ngày nay trong các lễ tang, hoa tươi được kết thành vòng hay hoa cườm thường được sử dụng để đi phúng điếu và nguồn gốc của việc này được cho là bắt nguồn từ các nước phương Tây, du nhập vào nước ta từ thời Pháp thuộc. Cứ thế theo thời gian, phúng điếu dần trở thành một phong tục quen thuộc, không thể thiếu trong các đám tang của người Việt.
Đa phần các đám tang ma đều chấp điếu (tức là nhận lễ vật phúng điếu), dù biết là nhận thêm cái nợ nhưng nợ này là nợ nhân nghĩa theo quy tắc ứng xử chung trong xã hội và cộng đồng với suy nghĩ đồng nhất: “Hôm nay mình nhận của người ta, mai này con cháu mình sẽ trả”, “có đi có lại” hay “người sao mình vậy”. Mặt khác, việc nhận phúng điếu như đã nói ở trên là cần thiết vì sẽ giúp tang chủ có thêm một khoản tiền để tổ chức tang ma chu đáo, tươm tất cho người thân trong điều kiện ngày xưa gia cảnh của hầu hết các gia đình đều chưa khá giả, tang ma là chuyện trọng đại, cần rất nhiều tiền để chu toàn.
Khi có thân nhân qua đời, việc tiếp đón khách khứa đã được giao phó cho người hộ tang. Theo lễ xưa, khi chưa thành phục, nghĩa là chưa mặc tang phục, thì người chủ tang chưa được phép tiếp khách. Nếu khách đến phúng điếu muốn vào làm lễ, tang chủ phải tiếp đón và lễ cáo trước vong hồn người chết. Khi khách làm lễ, tang chủ đứng bên bàn thờ hoặc linh cữu phải đáp lễ, vái lại khách một nửa số vái mà khách đã lễ người quá cố.
Về phần người đến phúng điếu, lễ xưa có quy định như sau:
Đang có trọng tang không nên đi phúng điếu.
Phúng điếu là sự thăm hỏi, giúp đỡ. Có giúp vàng ngọc gọi là lễ hàm; giúp chăn áo tẩm liệm là lễ tuỵ; giúp tiền bạc gọi là lễ phụng; giúp xe ngựa cho đám tang là lễ phúng; cúng hương đèn tửu quả là lễ điếu.
Theo Kinh Lễ, “tri sinh giả điếu, tri tử giả ai” – nghĩa là chỉ quen người sống thì đến điếu mà không khóc; quen biết cả người chết thì có khóc.
Khách đến lễ, nếu linh cữu còn ở tại nhà thì chỉ lạy 2 lạy theo lễ với người sống. Nêu chôn cất xong rồi, mới lạy 4 lạy trước bàn thờ.
Văn ai điếu người chết xưa có định 2 loại: lỗi văn và vãn ca. Lỗi văn kể công đức và khen ngợi người chết, cũng gọi là hạnh thuật, hạnh trang. Theo lễ xưa, người dưới không được làm lỗi văn cho người trên. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho các điếu văn. Lỗi văn thường do các bậc lão thành có quan tước làm theo lời yêu cầu của tang gia. Còn vãn ca là bài ca nói lên nối thương xót người quá cố.
Người Việt thường có lệ phúng viếng bằng câu đối, trướng liễn. Người đi phúng điếu nếu còn cha mẹ thì trên đối trướng ở dòng lạc khọản, trước tên mình phải đề rõ “Thừa phụ mệnh” hoặc “Thừa mẫu mệnh” (nếu chỉ còn mẹ), ngụ ý việc phúng điếu đó đã được cha hay mẹ cho phép.
Ngày nay khi cuộc sống sung túc hơn, nhiều gia đình không gặp phải những khó khăn về tiền bạc để lo tang ma cho người thân như trước đây, việc miễn nhận phúng điếu trở nên phổ biến hơn xưa. Người ta cho rằng không nhận phúng điếu, người chết và gia quyến sẽ khỏi mang thêm “cái nợ” về nhân nghĩa, về tiền bạc mà theo lẽ thông thường thế gian có nhận ắt phải trả. Tuy nhiên, chuyện từ chối nhận phúng có thể có nhiều lý do khác mà bạn đọc có thể tìm hiểu thêm ở bài viết này: Vì sao có đám ma “xin miễn chấp điếu”?
Tóm lại, việc phúng điếu (dù có lãng phí) vẫn là một phong tục tập quán quen thuộc, giàu tính nhân văn, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt.
Leave a Reply